Sáng ngày 21-12 -2021, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Quốc tế Gaia tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh năm học 2021-2022”.
Trong Hội thảo Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu Hà phân tích, để lựa chọn được công việc phù hợp với năng lực và sở thích, học sinh phải trả lời 4 câu hỏi: việc gì mình thích, việc gì có thể làm tốt, việc gì xã hội cần và việc gì mang lại thu nhập cho bản thân. Tuy nhiên, cả 4 yếu tố nói trên đều không mang tính cố định mà liên tục thay đổi. Vì vậy, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp cần được trang bị cho người học càng sớm càng tốt.
Theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, dịch bệnh có thể gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động hướng nghiệp nhưng lại là tiền đề phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người học. “Tôi thấy trong nhiều hoạt động hướng nghiệp tổ chức theo hình thức trực tuyến gần đây, học sinh đã đặt câu hỏi thực tế hơn, đi sâu vào những trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp”,
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, trong từng thời điểm và bối cảnh xã hội, trường học có nhiều hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp phù hợp, đem lại hiệu quả cho học sinh. Trong giai đoạn hiện nay, bản thân giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm trang bị toàn diện kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, tránh việc lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của người học nếu chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp.
Ngoài ra, theo thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), do ảnh hưởng của dịch bệnh, dạy học chuyển qua hình thức trực tuyến, nếu giáo viên vẫn giữ cách làm cũ là “bê nguyên xi” giáo án dạy học trực tiếp vào dạy học trực tuyến cho học sinh sẽ không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người học. Đây vừa là thử thách song cũng là cơ hội chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho người học đối mặt với những thay đổi của môi trường lao động do tác động của bối cảnh xã hội.
Thêm vào đó, học sinh hiện nay đánh giá năng lực và sở trường của bản thân chủ yếu qua khía cạnh các môn học, song thực tế khi ra trường làm việc đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Từ thực tế đó, học sinh phải mở rộng trải nghiệm qua các hình thức tham gia câu lạc bộ trong trường học, dự án học tập, việc làm thêm bán thời gian phù hợp lứa tuổi… Hơn nữa, hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông cần kết hợp đa dạng nhiều hình thức như tham quan trải nghiệm, kết nối trường học với doanh nghiệp tạo ra hệ sinh thái hướng nghiệp, học sinh tham gia các dự án nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hướng nghiệp ở các trường phổ thông.